Braden và Maizie đã khám phá Việt Nam khoảng hai tháng. Hành trình từ Hà Nội đến Hội An của họ có vô số thay đổi do ảnh hưởng của Covid-19. Từ đầu chuyến đi, họ có thể trải nghiệm rất nhiều, nhưng mọi thứ ngày càng khác khi hàng loạt điểm đến đóng cửa. Thậm chí, toàn bộ tour xe máy đặt cho chuyến đi Đà Lạt đều bị hủy, họ quyết định lưu lại Hội An vì lý do an toàn.
"Khó khăn chính là nỗi bất an về những khách du lịch như chúng tôi, khi cư dân địa phương trở nên cảnh giác với những người mang bệnh. Nhưng tại bãi biển An Bàng, Hội An, không khí khá dễ chịu khi người dân chấp nhận chúng tôi miễn là cả hai đeo khẩu trang và dùng dung dịch rửa tay", Maizie chia sẻ.
Khá lo lắng về nguy cơ lây nhiễm nCoV tại Việt Nam, cô và bạn trai hoàn toàn chấp nhận viễn cảnh tệ nhất là phải đi cách ly tập trung. "Chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần nhưng vẫn sợ nếu điều đó xảy ra. Điều đáng lo ngại là rào cản ngôn ngữ trong các bệnh viện", phượt thủ Anh bày tỏ.
Maizie (trái) và Braden (phải) đang tận hưởng chuyến đi dài hơn dự kiến tại Hội An. Ảnh: NVCC. |
Chỉ định phiêu lưu lại Việt Nam trong hai tháng, Maizie và Braden đã ở lại lâu hơn dự tính. Nếu tình hình này kéo dài, họ có thể gặp rắc rối về tài chính. Cặp phượt thủ Anh quyết định hủy toàn bộ hành trình tiếp theo cho đến 14/4, qua Campuchia, Thái Lan, Bali (Indonesia) và Australia, để lấy lại tiền. Thời gian còn lại, họ sẽ tự lái xe máy khắp nơi cùng bạn bè.
"Bây giờ chúng tôi ở Việt Nam còn hơn về nước, bởi tại Anh bạn thậm chí chẳng thể rời khỏi nhà", Braden cho hay.
Còn với Seb Jordan , nỗi lo lớn nhất của anh trong chuyến du lịch Việt Nam không phải virus, bởi tình hình dịch bệnh vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Nhưng suốt chuyến đi cùng bạn gái Lili và bố mẹ cô, anh luôn nơm nớp không biết khách sạn có bị đóng cửa hay lịch bay thay đổi đột ngột không - điều sẽ khiến tất cả mắc kẹt và quá hạn lưu trú.
"Chúng tôi đều cảm thấy an toàn, vì Việt Nam kiểm soát dịch bệnh rất tốt. Tôi cảm thấy ít có nguy cơ nhiễm virus tại Việt Nam và muốn ở lại đây! Khi về nhà, tôi sẽ phải tự cách ly và làm việc từ xa trong một thời gian dài. Tôi thà ở ngoài trời tận hưởng miền quê Việt Nam còn hơn!", anh thú thực.
Tuy nhiên, Seb đã phải thay đổi lịch trình từ Đà Nẵng đi TP HCM, để về Anh sớm. Từ TP HCM bay sang Bangkok, Seb đổi vé và nối chuyến về đến London vào 23/3, ngày lệnh phong tỏa toàn quốc có hiệu lực.
Seb cảm thấy rất may mắn, khi chuyến bay từ TP HCM tới Bangkok, Thái Lan khởi hành đúng lịch, dù hàng loạt chuyến tương tự bị hủy sát giờ. Ảnh: NVCC. |
Chung cảm nhận với Seb, Raphaella Stewart đã Biên phiên dịch về Anh song không hề cảm thấy an toàn hơn khi ở Việt Nam. Cô đeo khẩu trang suốt từ khi rời máy bay đến lúc tới nhà.
"Khi hạ cánh xuống sân bay London Heathrow, tôi sốc khi thấy quá ít biện pháp được thực hiện để phòng dịch bệnh lây lan. Thật đáng lo khi không nhân viên nào đeo khẩu trang hay găng tay, không kiểm tra sức khoẻ hay đo thân nhiệt của bất kỳ ai. Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì diễn ra tại sân bay ở Hà Nội", blogger của Raphaella Travels hồi tưởng.
Đến ngày 28/3, Anh ghi nhận ít nhất 14.543 ca nhiễm bệnh và 759 người tử vong vì nCoV. Thủ tướng Boris Johnson, người nhiễm Covid-19, đã ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc ít nhất 3 tuần từ 23/3.
Không thuận buồm xuôi gió như Seb hay Raphaella, Ralf Lofstad gọi mình là một du khách "mắc kẹt nửa chừng". Khi nhận thấy tình hình diễn biến xấu đi, Ralf lập tức bỏ dở hành trình xuyên Việt bằng xe máy từ TP HCM để về Na Uy.
Song lần lượt từng nỗ lực của phượt thủ này đều thất bại, khi Finnair, Jetstar và Emirates lần lượt hủy hàng loạt chuyến. Thậm chí, ngày 24/3 anh đã ra đến sân bay Tân Sơn Nhất lại đành phải quay về, vì hãng hàng không Thái Lan quy định chỉ những hành khách "âm tính với nCoV" mới được phép lên máy bay.
Cuối cùng, hy vọng lóe lên với Ralf khi một hãng hàng không Pháp vẫn duy trì chuyến TP HCM - Paris vào sáng 27/3. Anh qua đêm tại sân bay Paris Charles de Gaulle và đợi chuyến về Oslo vào 28/3.
Ralf không thể lên máy bay dù đã mua vé ngày 24/3. Ảnh: NVCC. |
Không như Ralf, Julia Parra đang kẹt lại Việt Nam. Cô đến Hà Nội từ đầu tháng 2 để dạy tiếng Anh cho một trung tâm tình nguyện, nơi này phải đóng cửa vào tháng 3 vì Covid-19. Những tình nguyện viên khác đã về nước, còn Julia không kịp đặt vé về Tây Ban Nha, nơi dịch bệnh bùng phát ngoài tầm kiểm soát.
Vài ngày trước, Đại sứ quán Tây Ban Nha mới liên lạc với Julia sau khi thấy những cuộc gọi và email khẩn cấp yêu cầu giúp đỡ. Dù vậy, tình hình không khả quan hơn. "Người Tây Ban Nha đang kẹt lại khắp nơi trên thế giới, họ không thể tìm cách đưa tôi về nhà kịp thời. Và giờ thì đã quá trễ", cô nói.
Julia bay vào Đà Nẵng từ 15/3, bởi thành phố biển này có ít ca nhiễm nCoV hơn. "Từ khi đến đây, tôi nhận thấy rất nhiều nơi đã đóng cửa. Những ngày đầu tiên rất lạ, tôi dạo quanh thành phố vắng tanh, bãi biển thì trống trơ", cô nhớ lại.
Julia đã mua vé về nhà từ TP HCM vào ngày 9/4, nhưng Đại sứ quán nhận định chuyến bay sẽ bị hủy xét theo tình hình. Thực tế cô chưa thể rời Đà Nẵng vì không thể xác nhận tờ khai y tế. Hơn nữa, cô không đặt vé máy bay đi TP HCM do không chắc mình có thể tìm phòng nghỉ vào thời điểm này.
"Tôi phải tiếp tục chờ đợi, không cho phép mình hoảng loạn. Gia đình tôi vẫn an toàn, và hàng ngày cập nhật tình hình bên đó xấu thế nào, rằng chính phủ thông báo mọi chuyện sẽ còn tệ hơn nữa trong vài tuần tới. Tôi vô cùng lạc quan và luôn nhắn về nhà rằng tôi cảm thấy rất an toàn ở Việt Nam", cô tâm sự.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét